Virtual Memory là gì
Virtual Memory dịch từ tiếng Anh sang là "Bộ nhớ ảo". Ảo tức là không có thật, không thật giống như RAM là thứ bạn có thể chạy ù ra ngoài hàng máy tính mua về cắm vào máy. Không tồn tại ở dạng vật lý nhưng tồn tại trong hệ điều hành của máy tính.
Vậy tại sao lại cần "virtual memory"?
Để hiểu được vấn đề này chúng ta nói một chút sơ qua về các thể loại bộ nhớ. Vì mình tin chắc rằng có những sự nhập nhèm nhất định về RAM, ROM và DISK vì đôi khi chúng ta gọi tắt sang tiếng Việt đều là bộ nhớ
RAM
RAM là viết tắt của Random Access Memory. Định nghĩa bác học từ Wikipedia thì nó rất là bác học:
là một loại bộ nhớ khả biến cho phép truy xuất đọc-ghi ngẫu nhiên đến bất kỳ vị trí nào trong bộ nhớ dựa theo địa chỉ ô nhớ
Hiểu đơn giản là bộ nhớ thực thi các dòng lệnh của chương trình, cần chạy chương trình gì thì đưa lên RAM để chạy.
Dung lượng hiện giờ của RAM (thời điểm tháng 3 năm 2017) trên mỗi máy tính để bàn hoặc laptop bét nhất cũng 4Gb, ngoài ra còn có thể có nhiều hơn (8Gb, 16Gb).
RAM càng lớn thì khả năng truy suất dữ liệu của máy bạn càng nhanh hơn, đồng nghĩa với việc thời gian thực thi một chương trình cũng nhanh hơn
ROM
ROM thì mang nghĩa bộ nhớ chỉ đọc. Nó chứa các đoạn code đặc biệt của hệ thống và chỉ cho phép mình đọc ra từ nó, chương trình mình viết ra sẽ không có quyền ghi lên ROM để tránh một ngày xấu trời đoạn code của bạn sẽ đánh sập cả hệ thống
Công nghệ phát triển, ROM giờ cũng có thể ghi được, nhưng bạn yên tâm là việc ghi lên ROM cần có các thủ tục đặc biệt, không đơn giản như mấy câu lệnh "Hello World" đâu nhé
DISK
Disk tiếng Việt dịch ra là ổ cứng, là một nơi lưu trữ tất cả các thể loại nội dung mà bạn muốn từ file nhạc, video, movie cho đến ảnh bạn gái, clip phim Ma...
Dung lượng của Disk thông thường từ 512G cho tới hàng Tb
Ổ cứng cũng có rất nhiều loại, nhưng phổ biến nhất hiện giờ vẫn là HHD và SSD. Chi tiết về hai cái này các bạn tìm hiểu thêm ở trên mạng hoặc chờ mình hôm nào nghiên cứu tiếp sẽ viết bài :D
"Chúng" hoạt động như thế nào
Nói nôm na là như vầy:
Khi bật máy tính lên, chương trình đầu tiên (trong Linux gọi là bootloader) sẽ đọc trong vùng nhớ ROM để biết một số thông tin trong quá trình boot.
Khi máy tính đã chạy rồi thì mỗi khi muốn thực thi một chương trình, các biến dữ liệu sẽ được đưa từ bộ nhớ vào RAM để hệ điều hành có thể truy suất, thực thi các phép tính cộng trừ nhân chia ...
Nôm na là vậy, ở phần II, chúng ta sẽ tìm hiểu thêm về các vấn đề của bộ nhớ